Bị nhái thương hiệu, chủ nhà hàng “sườn cây” kiện ra tòa làm sáng tỏ
Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp, TP.HCM vừa có thông báo với Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới về việc tiến hành thụ lý vụ án về nhãn hiệu “Sườn Cây” – một chuỗi nhà hàng đồ nướng – của doanh nghiệp này bị cho là đang bị làm nhái thương hiệu trên địa bàn.
Theo đơn kiện, nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được doanh nghiệp này đăng ký và được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419, thời hạn 10 năm kể từ ngày 5/8/2014.
Trong quá trình hoạt động, vào đầu tháng 2/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới phát hiện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP HCM (Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM) đã sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty khi chưa có sự đồng ý của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới.
Theo đơn kiện, Công ty Viên Ngọc Mới đã 3 lần gửi công văn, thư khuyến cáo yêu cầu nhà hàng tại 97 Quang Trung Phường 8, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu. Tuy nhiên, phớt lờ yêu cầu nói trên, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM không phản hồi và cũng không chấm dứt hành vi vi phạm này.
Cuối tháng 3/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới đã đề nghị Viện Khoa học Sở Hữu Trí Tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành giám định sở hữu công nghiệp đối với các chứng cứ vi phạm của Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM.
Tại kết luận giám định số NH081 – 16YC/KLGD ngày 17/3/2016, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ kết luận: “Dấu hiệu “Sườn Cây” gắn trên biển hiệu nhằm kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống – như được thể hiện trên tài liệu 1 là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Sườn Cây” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419 của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới”.
Ông Trần Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp đã được Nhà nước bảo hộ Sỡ hữu Trí tuệ về nhãn hiệu, khi có tranh chấp xảy ra, Tòa án sẽ bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính”.
Trả lời phỏng vấn Báo chí, ông Trần Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Đối với vụ kiện của Công ty Viên Ngọc Mới, tôi được biết Tòa án đã thụ lý vụ án. Tiến trình tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tòa án sẽ xem xét và căn cứ vào hồ sơ vụ án, sẽ đánh giá khách quan, toàn diện các giám định, kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vi phạm Sỡ hữu Trí tuệ trong vụ này nếu đã có. Trong trường hợp chưa có giám định, có thể Tòa sẽ trưng cầu giám định đối với nhãn hiệu bị vi phạm…Về mặt nguyên tắc, Tòa án sẽ xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đã được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.
Dù có thể vụ án sẽ được tiến hành qua nhiều bước, các bên liên quan sẽ thực hiện nhiều quy trình cung cấp chứng cứ, tài liệu….nhưng tôi tin rằng Tòa án sẽ bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, luật gia Trần Đức Long nói.
Theo đơn khởi kiện ngày 23/03/2016 gửi Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, yêu cầu khởi kiện của CTCP Đầu tư Viên Ngọc Mới nhằm buộc CTCP Dịch vụ ăn uống và giải trí Anh Em phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: 1. Chấm dứt hành vi vi phạm 2. Thay đổi biển hiệu có nhãn hiệu “SƯỜN CÂY” hiện tại tại Nhà hàng 3. Xin lỗi công khai về hành vi vi phạm 4. Bồi thường cho CTCP Đầu tư Viên Ngọc Mới các khoản chi phí; chi phí thuê luật sư; chi phí giám định vi phạm, chi phí đi lại cho nhân viên công ty theo đuổi vụ kiện; chi phí tổn thất uy tín, thương hiệu “SƯỜN CÂY”, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. |
Xem thêm:
Lại lùm xùm ‘đạo thơ’, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ yêu cầu giải trình
Cuộc chiến của thương hiệu nổi tiếng “Lexus” tại Hồng Kông
Áp dụng luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh trong việc giải quyết vụ việc tại tòa án
Tên miền chưa được coi là đối tượng sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu phở Thìn thuộc về ai? Ai có quyền ngăn cấm người khác sử dụng?