Vụ xâm phạm nhãn hiệu HWASUNG
Công ty Thiên Phú – Hà Nội là chủ sở hữu của nhãn hiệu HWASUNG cho các sản phẩm dây, cáp điện và một số thiết bị điện thuộc nhóm 09 theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 67384 ngày 19.10.2005 và đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu SEOUL cũng cho các sản phẩm tương tự.
Công ty Cáp điện SH-VINA – Vĩnh Phúc là công ty chuyên sản xuất, kinh doanh dây cáp điện và cáp điện thoại các loại tại Việt Nam. Công ty này được các công ty HWASUNG, SEOUL và SIMEX của Hàn Quốc góp vốn thành lập.
Cuối tháng 8.2006, theo đề nghị của Công ty Thiên Phú, cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra và thu giữ số lượng lớn hàng hoá gồm dây cáp điện và cáp điện thoại mang nhãn hiệu SH-HWASUNG của Công ty Duy Tân và Công ty Duy Yên. Đây là hai đại lý tiêu thụ lớn nhất của Công ty SH-VINA. Số hàng nói trên đã bị lập biên bản, niêm phong và tạm giữ để chờ xử lý.
Công ty SH-VINA trình bày, dây cáp điện mang nhãn hiệu HWASUNG đã được Công ty HWASUNG nhập và tiêu thụ tại Việt Nam thông qua một số đại lý từ năm 2002 đến 2006. Việc nhập khẩu này chỉ dừng lại kể từ khi Công ty SH-VINA sản xuất tại Việt Nam. Dây cáp điện do SH-VINA sản xuất tại Việt Nam mang nhãn hiệu SH-HWASUNG. Tuy nhiên, đến ngày 25.5.2006, Công ty mới nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) để đăng ký nhãn hiệu HWASUNG cho các sản phẩm dây, cáp điện và các thiết bị điện thuộc nhóm 09. Nhãn hiệu này đã bị từ chối đăng ký với lý do trùng với nhãn hiệu HWASUNG đã được cấp cho Công ty Thiên Phú đã đăng ký trước đó.
Đầu tháng 9.2006, Công ty SH-VINA đã nộp đơn đề nghị Cục SHTT huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HWASUNG của Công ty Thiên Phú với lý do nhãn hiệu này trùng với tên Công ty HWASUNG của Hàn Quốc và nhãn hiệu HWASUNG đã được sử dụng tại thị trường Việt Nam trước khi Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký.
Trước tình trạng tranh chấp trong việc xác lập quyền diễn ra đồng thời với việc yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền, cơ quan có thẩm quyền đã có thông báo tạm ngừng việc xử lý hành vi xâm phạm quyền của Công ty SH-VINA. Lý do của việc tạm ngưng là đang có sự tranh chấp về quyền đăng ký nhãn hiệu của Công ty SH-VINA và Công ty Thiên Phú.
Ngày 28.11.2007, Cục SHTT đã ra quyết định huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HWASUNG đã cấp cho Công ty Thiên Phú.
(Nguồn: Website Sở KH&CN Vĩnh Phúc, Hanoimoionline và Website shvinacable)
Lời bình
1. Vụ tranh chấp nhãn hiệu HWASUNG cho thấy, Công ty SH-VINA đã không chú trọng đúng mức tới việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu khi đầu tư vào Việt Nam. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, quyền sở hữu một nhãn hiệu thuộc về người nộp đơn đăng ký trước. Thành lập từ tháng 10.2004 tại Việt Nam, nhưng Công ty SH-VINA đã chậm chân hơn Công ty Thiên Phú trong việc tiến hành thủ tục đăng ký, dẫn đến bị buộc tội làm hàng giả, và phải tiến hành các thủ tục tranh chấp nhãn hiệu. Đây là bài học đắt giá cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, khi xây dựng chiến lược kinh doanh (trong đó có việc xâm nhập thị trường) phải song hành có kế hoạch thực hiện việc đăng ký các đối tượng SHCN, trong đó có nhãn nhiệu.
2. Sau khi đầu tư vào Việt Nam, Công ty SH-VINA đã có đơn đề nghị Cục SHTT huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HWASUNG đã cấp cho Công ty Thiên Phú. Tiếp theo, sau khi bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ hàng hoá theo yêu cầu của Công ty Thiên Phú, Công ty SH-VINA đã tiếp tục gửi đơn đề nghị Cục SHTT huỷ bỏ văn bằng đã cấp cho Công ty Thiên Phú với lý do: Nhãn hiệu của Công ty Thiên Phú đang được bảo hộ trùng với tên Công ty HWASUNG của Hàn Quốc. Công ty Thiên Phú không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu HWASUNG.
Như vậy, khi bị tố cáo doanh nghiệp mình có hành vi xâm phạm quyền SHCN của người khác, một trong các công việc cần phải làm là xem xét tính hợp pháp của văn bằng bảo hộ của người tố cáo và căn cứ trên kết quả đánh giá mà có cách ứng xử thích hợp. Trong trường hợp này, Công ty SH-VINA đã có cách xử lý thích hợp khi khiếu nại, đề nghị huỷ bỏ hiệu lực văn bằng đã cấp cho Công ty Thiên Phú.
3. Vì có sự tranh chấp về chủ thể quyền đối với nhãn hiệu, sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan xác lập quyền về khả năng duy trì hiệu lực văn bằng đã cấp cho Công ty Thiên Phú, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc đã tạm dừng việc giải quyết đơn tố cáo, yêu cầu xử lý của Công ty Thiên Phú, mặc dù tại thời điểm này Công ty Thiên Phú đang là chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp.
Quyết định nói trên căn cứ theo quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22.9.2006. Trong đó Điều 22.1 quy định “ trường hợp đơn yêu cầu xử lý vi phạm có tranh chấp về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền SHCN, cơ quan đã nhận đơn hướng dẫn người nộp đơn, người có quyền, lợi ích liên quan thực hiện quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền”.
Đề nghị huỷ bỏ văn bằng đã cấp cho Công ty Thiên Phú có nội dung là tranh chấp về quyền nộp đơn. SH-VINA cho rằng, Công ty Thiên Phú không có quyền nộp đơn vì đã biết HWASUNG là địa danh của Hàn Quốc, là tên thương mại của doanh nghiệp Hàn Quốc và trước đó đã có quan hệ thương mại với công ty này trong mua, bán hàng hoá có mang nhãn hiệu này.
Việc tạm dừng xử lý, chờ kết luận cuối cùng của Cục SHTT, hoặc Bộ KH&CN hoặc Toà Hành chính về việc có huỷ bỏ văn bằng đã cấp cho Công ty Thiên Phú hay không, là đúng quy định. Tạm dừng xử lý như vậy sẽ tránh được hậu quả nếu như sau này văn bằng của Công ty Thiên Phú bị huỷ bỏ.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cũng cần thận trọng trong việc tạm dừng việc xử lý khi có tranh chấp quy định tại Điều 22.1 Nghị định số 106/2006/NĐ-CP. Nên tham khảo ý kiến của Cục SHTT về khả năng duy trì hay huỷ bỏ văn bằng đã cấp trước khi quyết định để tránh tình trạng lợi dụng quy định tạm dừng khi có tranh chấp để lẩn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian xử lý.
4. Cục SHTT đã huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu HWASUNG đã cấp cho Thiên Phú. Cục SHTT đã ra quyết định này sau khi xem xét các chứng cứ do hai Công ty SH-VINA và Thiên Phú cung cấp cùng với việc đối chiếu các quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu quy định tại Nghị định số 63/CP năm 1996 (văn bản áp dụng để xem xét các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng cho Công ty Thiên Phú).
Thứ nhất, HWASUNG là tên thưong mại của Công ty HWASUNG. Đó là công ty nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 54/2000/NĐ-CP (phần quy định về tên thương mại). Tại thời điểm Công ty Thiên Phú nộp đơn thì Công ty HWASUNG đã có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và là một trong 3 pháp nhân tham gia thành lập Công ty SH-VINA theo Giấy phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, tên thương mại HWASUNG đã được tự động xác lập. Do đó, nhãn hiệu HWASUNG không đủ tiêu chuẩn để bảo hộ là nhãn hiệu vì trùng với tên thương mại đã có trước đó.
Thứ hai, dấu hiệu HWASUNG trùng với tên chỉ địa danh một địa phương của Hàn Quốc. Như vậy, HWASUNG là tên thưong mại, gắn với địa danh của Hàn Quốc và chính là nhãn hiệu đã gắn với sản phẩm dây cáp điện đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2002, trước thời điểm Công ty Thiên Phú nộp đơn đăng ký. Công ty Thiên Phú sử dụng HWASUNG làm nhãn hiệu sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hoá và có tính chất lừa dối khách hàng. Như vậy, không đạt yêu cầu quy định tại Nghị định số 63/CP. Hơn nữa HWASUNG là địa danh. Vì vậy, không được bảo hộ là nhãn hiệu nếu không được chính quyền có địa danh đó đồng ý.
Như vậy, đối chiếu các tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu quy định tại Nghị định 63/CP thì HWASUNG không hội đủ điều kiện để bảo hộ là nhãn hiệu cho Công ty Thiên Phú.
Đây không phải là vụ đầu tiên Cục SHTT huỷ bỏ văn bằng đã cấp. Những trường hợp thông qua quan hệ đại lý, nhập khẩu hàng hoá, rồi sử dụng nhãn hiệu của bên kia, sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng tên thương mại của người khác để đăng ký làm nhãn nhiệu của mình không phải là không xảy ra. Như vậy là không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Việc đăng ký dấu hiệu không do doanh nghiệp tạo dựng từ sự sáng tạo của mình để làm nhãn hiệu sẽ không bền vững. Sử dụng nhãn nhiệu của doanh nghiệp khác sẽ vô tình quảng cáo, gây dựng uy tín cho doanh nghiệp đó. Đến thời điểm nào đó sẽ vướng vào tình trạng tranh chấp về quyền đăng ký và không có cơ sở nào đảm bảo doanh nghiệp mình vẫn tiếp tục duy trì được hiệu lực văn bằng. Lúc đó, không chỉ mất tiền mà còn mất uy tín.
Trong trường hợp này, Công ty Thiên Phú không những không đạt được mục đích xử lý hàng hoá của Công ty SH-VINA, mà còn bị kiện ngược lại và bị huỷ bỏ hiệu lực văn bằng đã cấp trước đó.
Xem thêm:
Lại lùm xùm ‘đạo thơ’, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ yêu cầu giải trình
Bị nhái thương hiệu, chủ nhà hàng “sườn cây” kiện ra tòa làm sáng tỏ
Cuộc chiến của thương hiệu nổi tiếng “Lexus” tại Hồng Kông
Áp dụng luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh trong việc giải quyết vụ việc tại tòa án
Tên miền chưa được coi là đối tượng sở hữu trí tuệ
Nhãn hiệu phở Thìn thuộc về ai? Ai có quyền ngăn cấm người khác sử dụng?