Không dễ hủy nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero

Không dễ hủy nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero

Trường hợp nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero sẽ khó mà bị đình chỉ, bởi vì có sự hạn chế thương mại.

Như tin đã đưa, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã đình chỉ 45 bằng nhãn hiệu Jet và Hero của Công ty Sumatra Tobaco Trading (công ty ở Indonesia, gọi tắt là Sumatra) với lý do “không sử dụng liên tục trong vòng năm năm” (Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ).

Nếu đình chỉ được thì đã đình chỉ rồi

Tra cứu trên Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IPLib) thì đến 42 nhãn hiệu Jet và Hero được đăng ký và cấp bằng dùng cho các sản phẩm không liên quan đến thuốc lá.

Ví dụ như cồn, giấy nhóm lửa, bao thuốc lá, gạt tàn, thậm chí cả những sản phẩm như đồng hồ, trang sức, đá quý, chuông,…

Hiện nay trên thị trường không có các loại sản phẩm kể trên mang nhãn hiệu Jet, Hero. Vì vậy căn cứ đình chỉ vì không sử dụng năm năm liên tục là có cơ sở.

Trong số 45 nhãn hiệu này, chỉ có ba nhãn hiệu dùng cho thuốc lá. Tuy nhiên, đó là nhãn hiệu thuốc lá JET STAR có chữ màu đỏ in nghiêng, một nhãn hiệu thuốc lá JET STAR với chữ màu vàng in đậm đứng, một nhãn hiệu JET FREE. Ba nhãn hiệu này không phổ biến tại Việt Nam nên căn cứ “không sử dụng năm năm” là có thể áp dụng.

Nhãn hiệu thuốc lá Jet (chỉ có một chữ JET, không phải JET FREE hay JET STAR) và Hero không bị đình chỉ.

Nếu chứng minh được Sumatra không sử dụng nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero tại Việt Nam thì có lẽ các nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero đã bị đình chỉ chung với 45 nhãn hiệu kể trên rồi.

Mặt khác, Luật Sở hữu trí tuệ đã có từ năm 2005, nếu có thể áp dụng Điều 95 để hủy bỏ nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero thì đã có thể thực hiện từ rất lâu rồi chứ không phải chờ đến bây giờ!

Hiệp định TRIPS sẽ bảo vệ Sumatra

Việc nhập khẩu thuốc lá hiện nay gần như được xem là cấm. Hiện không có cá nhân, tổ chức nào được quyền nhập khẩu thuốc lá ngoài Vinataba. Đây là đơn vị duy nhất được Bộ Công Thương trao quyền nhập khẩu thuốc lá.

Nói cách khác, có sự hạn chế nhập khẩu trong trường hợp này.

Luật sư Nguyễn Thanh Long (Công ty luật Phạm và Liên danh) cho biết Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực “mà không có lý do chính đáng” nhưng không nói rõ lý do chính đáng là lý do gì.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Hiệp định TRIPS).

Điều 19 của hiệp định này quy định “Nếu việc sử dụng là điều kiện để duy trì hiệu lực đăng ký thì đăng ký chỉ có thể bị đình chỉ hiệu lực sau một thời gian liên tục, ít nhất là ba năm, không sử dụng và chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không nêu được những lý do chính đáng cản trở việc sử dụng.

Những điều kiện khách quan gây trở ngại cho việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, như việc hạn chế nhập khẩu hoặc các yêu cầu khác của Chính phủ đối với hàng hóa hoặc dịch vụ được bảo hộ thông qua nhãn hiệu hàng hóa đó, phải được coi là lý do chính đáng đối với việc không sử dụng”.

Như vậy, trường hợp nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero sẽ khó mà bị đình chỉ, bởi vì có sự hạn chế thương mại đã kể trên.

Sumatra sẽ đổi bao bì Jet, Hero?
Theo dữ liệu trong thư viện về sở hữu trí tuệ thuộc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì Sumatra có 32 đơn sử dụng nhãn hiệu Jet, Hero dùng cho thuốc lá. Trong số này, 25 bằng bảo hộ đã được cấp, có những bằng duy trì hiệu lực đến năm 2018, 2020… Có bảy đơn chưa được cấp bằng là những đơn nộp trong năm 2015 và đang xét duyệt.
Điểm đặc biệt của bảy đơn này là sự khác biệt rõ rệt trong thiết kế nhãn hiệu, bao bì sau gần 20 năm không đổi mẫu nhãn hiệu Jet và Hero.

Xem thêm:

Gay cấn cuộc chiến giành thương hiệu thuốc lá Jet và Hero

Chưa có đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Anh Chị

Bài viết liên quan