Nhãn hiệu phở Thìn thuộc về ai? Ai có quyền ngăn cấm người khác sử dụng?

Nhãn hiệu phở Thìn thuộc về ai? Ai có quyền ngăn cấm người khác sử dụng?

Trong thời gian vừa qua trên một số phương tiện truyền thông đang xôn xao về vụ tranh chấp nhãn hiệu “phở Thìn” giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung, hai người này có quyền tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn hay không? Tại Việt Nam Nhãn hiệu “phở Thìn” thật sự là của ai và ai có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu “phở Thìn”?

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải*

Chủ sở hữu nhãn hiệu “Phở Thìn” là ai?

Tra cứu dữ liệu tại WIPO[1] hiện nay có 13 đơn đã nộp đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu “phở Thìn” cho nhóm hàng hóa dịch vụ là nhà hàng và dịch vụ ăn uống (nhóm 43)[2], tuy nhiên chỉ có đơn của ông Bùi Chí Đạt ở số 2 Lò Đúc nộp ngày 26/12/2014 được cấp bằng ngày 25/03/2015, các đơn còn lại hoặc đã bị từ chối hoặc đang trong quá trình thẩm định. Như vậy tại Việt Nam ông Bùi Chí Đạt mới là người chủ sở hữu nhãn hiệu “phở Thìn” chứ không phải ông Nguyễn Trọng Thìn hay ông Đoàn Hải Trung hoặc những người khác. Năm 2009 ông Nguyễn Trọng Thìn ở 13 Lò Đúc có nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “phở Thìn” nhưng đã bị từ chối, ngày 15/05/2020 ông Nguyễn Trọng Thìn tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có chữ “phở Thìn”, những đơn này đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định về mặt nội dung chưa có quyết định cấp hay từ chối dù đã quá thời hạn thẩm định theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng khả năng cao là đơn đăng ký nhãn hiệu “phở Thìn” của ông Nguyễn Trọng Thìn sẽ bị từ chối vì nhãn hiệu mà ông Thìn đăng ký trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ dù chữ “phở Thìn” viết hoa hay viết thường hay dưới dạng cách điệu khác thì vẫn đọc là phở-Thìn.

Do đó tranh chấp giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung liên quan đến nhãn hiệu “phở Thìn” không có ý nghĩa, vì cho đến thời điểm hiện nay cả hai ông này không có quyền gì đối với nhãn hiệu “phở Thìn”, có chăng đây chỉ là tranh chấp trong quá trình góp vốn, hùn hạp với nhau hoặc các tranh chấp khác (nếu có), chứ không phải tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Ông Bùi Chí Đạt  mới là người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người được pháp luật bảo hộ cho nhãn hiệu “phở Thìn” thì lại không lên tiếng.

Tại Việt Nam ông Nguyễn Trọng Thìn có được quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn” hay không?

Ông Nguyễn Trọng Thìn có mở một số tiệm phở ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc,… để kinh doanh vì ở những nơi này ông được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “phở Thìn”. Còn tại Quận 7 TP.Hồ Chí Minh dưới dạng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền là ông Nguyễn Trọng Thìn, đây không phải là chuyển quyền sử dụng sở hữu công nghiệp với đối tượng sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu “phở Thìn”. Theo quy định việc nhượng quyền thương mại phải gắn với nhãn hiệu của tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền, do đó nhượng quyền thương mại thông thường các bên sẽ thỏa thuận kèm theo việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Có thể ông Nguyễn Trọng Thìn đã ký hợp đồng nhượng quyền nhưng ông nhượng quyền mà nhãn hiệu không thuộc về ông vậy là không phù hợp với quy định về nhượng quyền trong luật Thương mại vì ông không phải là chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ nên không phát sinh quyền, vì vậy ông không có quyền để mà cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu “phở Thìn”.

Theo quy định tại Điều 129.1.a luật Sở hữu trí tuệ thì ông Nguyễn Trọng Thìn sử dụng dấu hiệu “phở Thìn” là có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt bởi vì theo điều luật này thì “Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”. Rõ ràng nhãn hiệu “phở Thìn” đang được bảo hộ cho nhóm hàng hóa dịch vụ 43 là nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ông Nguyễn Trọng Thìn sử dụng dấu hiệu “phở Thìn” trong hoạt động kinh doanh ăn uống là sử dụng dấu hiệu trùng, hàng hóa dịch vụ trùng nên việc sử dụng nhãn hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn là có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt.

Như vậy tại Việt Nam ông Nguyễn Trọng Thìn mới là người có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt chứ không phải người khác xâm phạm quyền của ông cho dù ông có đặt tên tiệm phở của mình là “phở Thìn 13 Lò Đúc” để phân biệt với các phở Thìn khác. Vì khi sử dụng dấu hiệu “phở Thìn” tại Việt Nam mà không được phép của chủ sở hữu là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, các chỉ dẫn “13 Lò Đúc” chỉ là những dấu hiệu đi kèm, không phải là yếu tố mạnh đập vào tiềm thức của người tiêu dùng, đối với người đi ăn phở họ chỉ quan tâm đến hai chữ “phở Thìn” mà thôi.

Thế lưỡng nan của thương hiệu “Phở Thìn”

Theo dữ liệu tại Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu “phở Thìn” được ông Bùi Chí Đạt nộp đơn đăng ký sớm nhất vào ngày 20/11/2003, đơn này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận (văn bằng) vào ngày 18/03/2005, văn bằng này có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần, thời điểm hết hạn của văn bằng là ngày 20/11/2013. Trong khoảng thời gian văn bằng bảo hộ của ông Bùi Chí Đạt còn hiệu lực thì ngày 20/04/2009 ông Nguyễn Trọng Thìn nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “phở Thìn” cho lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống trùng với hàng hóa dịch vụ của nhãn hiệu do ông Bùi Chí Đạt sở hữu và lẽ đương nhiên sẽ bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối (trừ những nhãn hiệu hình ảnh) với lý do không có khả năng phân biệt theo Điều 74.2 luật Sở hữu trí tuệ. Đến ngày 20/11/2013 thời hạn bảo hộ đã hết nhưng có lẽ ông Bùi Chí Đạt quên không gia hạn thành ra văn bằng này đã hết hiệu lực, vì vậy ngày 26/12/2014 ông Bùi Chí Đạt tiếp tục nộp đơn mới bảo hộ nhãn hiệu “phở Thìn” cho nhà hàng và dịch vụ ăn uống và đến ngày 16/03/2017 đơn này được cấp văn bằng mới, văn bằng này có hiệu lực đến hết ngày 26/12/2024 và sẽ được gia hạn nhiều lần.

Nhãn hiệu mà ông Bùi Chí Đạt đăng ký và được sử dụng liên tục từ trước ngày đăng ký cho đến nay nên khả năng nhãn hiệu này bị chấm dứt hiệu lực do không sử dụng liên tục 5 năm theo Điều 95.1.a luật Sở hữu trí tuệ là không xảy ra[3].

Thông tin từ WIPO cho thấy ông Nguyễn Trọng Thìn đã được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “phở Thìn” tại Mỹ ngày 17/07/2022, tại Pháp ngày 17/06/2021 và tại Indonesia ngày 08/11/2022 (chỉ chấp nhận phần hình). Riêng tại Nhật Bản và Hàn Quốc thì nhãn hiệu “phở Thìn” bị từ chối do đã có đơn đăng ký trước. Tại Việt Nam thì đơn đăng ký nhãn hiệu “phở Thìn” của ông Nguyễn Trọng Thìn đã bị từ chối vì đang được bảo hộ cho ông Bùi Chí Đạt.

Chỉ có Mỹ và Pháp cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “phở Thìn”, còn Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indo thì từ chối

Theo thông tin từ báo chí ông Nguyễn Trọng Thìn cho biết nhãn hiệu “phở Thìn” đã được ông sử dụng từ năm 1979, còn ông Bùi Chí Thành cháu nội của ông Bùi Chí Thìn cho biết nhãn hiệu “phở Thìn” được ông Bùi Chí Thìn sử dụng từ năm 1954. Giả sử ông Nguyễn Trọng Thìn có mở cửa hàng phở và sử dụng trước ông Bùi Chí Đạt đi chăng nữa nhưng ông không đăng ký bảo hộ thì vẫn không được pháp luật thừa nhận ông là chủ sở hữu, pháp luật Việt Nam áp dụng nguyên tắc “First to file” – bảo hộ cho người đăng ký trước chứ không áp dụng nguyên tắc “First to use” – bảo hộ cho người sử dụng trước như một số nước khác, nguyên tắc này được thể hiện tại Điều 6.3 luật Sở hữu trí tuệ[4]

Cũng giống như nhiều nhãn hiệu khác, hiện nay trên khắp lãnh thổ Việt Nam nhãn hiệu “phở Thìn” đang bị xạm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nghiêm trọng, nhiều tiệm phở sử dụng nhãn hiệu “phở Thìn” để kinh doanh trong suốt một thời gian dài mà không hề hấn gì, trong khi đó chủ sở hữu “phở Thìn” đích thực chỉ có ba tiệm ở 61 Đinh Tiên Hoàng – đối diện hồ Gươm, số 1 Hàng Tre và 1 Lê Văn Hưu (đầu phố Lò Đúc) Phở Thìn Bờ Hồ được mở từ khoảng năm 1954, do ông Bùi Chí Thìn (1928 – 2001) làm chủ. Với vị trí đối diện hồ Gươm nên tiệm phở thường được gọi là “Phở Thìn hồ Gươm” để phân biệt với phở Thìn nơi khác, đặc biệt là “Phở Thìn 13 Lò Đúc” của ông Nguyễn Trọng Thìn. Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra tại nhiều tỉnh thành với tầng suất ngày càng nhiều hơn nhưng dường như chủ nhãn hiệu “phở Thìn” không quan tâm vì như họ nói “chúng tôi chỉ bán phở truyền thống chứ chúng tôi không bán thương hiệu”[5], một phần cũng do hoạt động của “phở Thìn” chính gốc chỉ loanh quanh trong phạm vi Thủ đô Hà nội mà không mở rộng cũng như có dự định phát triển hơn. Vì thế nhãn hiệu “phở Thìn” như con gà đẻ trứng vàng và ai cũng xem như mình có quyền khai thác.

Với những công cụ mà pháp luật đã trao[6] chủ nhãn hiệu “phở Thìn” hoàn toàn có quyền ngăn cấm những người đang sử dụng nhãn hiệu của mình trong lĩnh vực ăn uống bằng cách yêu cầu các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ buộc chấm dứt hành vi xâm phạm. Dĩ nhiên việc xử lý này rất mất nhiều thời gian và chi phí thì mới đem lại hiệu quả như mong đợi. Nếu không xử lý mạnh tay nhằm ngăn chặn việc sử dụng tràn lan nhãn hiệu “phở Thìn” thì câu chuyện về nhãn hiệu này sẽ còn tiếp tục được nhắc tới nhiều sau này.  

Một số lưu ý

Trước khi sử dụng một dấu hiệu nào đó làm nhãn hiệu thì chủ cơ sở kinh doanh cần xác lập quyền đăng ký nhãn nhiệu, tránh trường hợp sử dụng nhãn hiệu mà vô tình hay hữu ý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Khi xâm phạm quyền của người khác đã xác lập sẽ dẫn đến những tranh chấp trong quá trình kinh doanh, đặc biệt khi nhãn hiệu đã được nhiều người khác biết đến rộng rãi, có tiếng tăm thì việc giải quyết các tranh chấp sẽ tốn kém và thời gian, đôi khi muốn xử lý dứt điểm cũng không dễ dàng.

Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần tìm đến những chuyên gia có kinh nghiệm tra cứu nhãn hiệu, việc tra cứu này nhằm đánh giá khả năng nhãn hiệu mà mình đăng ký có xâm phạm quyền của người khác hay chưa. Kết quả tra cứu giúp cho chủ nhãn hiệu đi đến quyết định có nên đăng ký nhãn hiệu này hay không, đăng ký cho nhóm hàng hóa dịch vụ nào mà mình sẽ dự định sử dụng cho nhãn hiệu cần đăng ký , ngoài việc đăng ký tại Việt Nam còn cần phải đăng ký ở những quốc gia nào mà tương lai nhãn hiệu đó sẽ có mặt. Việc tra cứu giúp tránh các trường hợp nhãn hiệu vô tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác, nếu nhãn hiệu được đánh giá là có khả năng bảo hộ sẽ giúp cho quá trình đăng ký thuận lợi hơn, nhanh hơn, Cục Sở hữu trí tuệ không phải mất thời gian thẩm định lại nếu xét thấy việc thẩm định lại cần thiết, đặc biệt trong trường hợp có đơn phản đối cấp của người thứ ba.

Ngoài ra chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải thường xuyên tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ tại WIPO để phản đối cấp những đơn nộp tại Việt Nam nhằm ngăn chặn việc xác lập quyền từ rất sớm, hoặc ngăn chặn những đơn đăng ký mà có khả năng gây phương hại đến nhãn hiệu mà mình được bảo hộ. Việc ngăn chặn sớm cũng là biện pháp “phòng bệnh” hơn là chữa bệnh khi mọi việc đăng ký đã được cấp văn bằng.

Ngoài ra khi lựa chọn một nhãn hiệu cho hoạt động kinh doanh thì chủ sở hữu sẽ đầu tư nhiều chi phí như thiết kế, quảng cáo, in bao bì, tem nhãn mác,… để phục vụ cho quá trình kinh doanh. Nếu không tra cứu mà chẳng may nhãn hiệu này đã được người khác đăng ký trước thì những chi phí đã đầu tư vào nhãn hiệu nhưng nhãn hiệu lại không thuộc về mình thành ra đầu tư công cốc.


[*] Luật sư điều hành Công ty luật Credent

[1] http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/trademarks

[2] Theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hóa và dịch vụ (Công ước Nice)

[3] Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

[4] Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ

[5] https://zingnews.vn/chu-nhan-hieu-pho-thin-nha-toi-ban-pho-khong-ban-thuong-hieu-post1406176.html

[6] Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 125 luật Sở hữu trí tuệ)


Xem thêm:

Xâm phạm nhãn hiệu HWASUNG

Lại lùm xùm ‘đạo thơ’, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ yêu cầu giải trình

Bị nhái thương hiệu, chủ nhà hàng “sườn cây” kiện ra tòa làm sáng tỏ

Cuộc chiến của thương hiệu nổi tiếng “Lexus” tại Hồng Kông

Áp dụng luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh trong việc giải quyết vụ việc tại tòa án

Tên miền chưa được coi là đối tượng sở hữu trí tuệ

Chưa có đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Anh Chị

Bài viết liên quan