Đừng để “mất bò” mới lo “làm chuồng”
(Nhân sự kiện Việt Nam chậm đăng ký thương hiệu Gạo ST25 tại Mỹ và thông điệp Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021)
Luật sư Nguyễn Hoàng Hải *
Liên quan đến câu chuyện kỹ sư Hồ Quang Cua bị các doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thương hiệu gạo ST25 (gạo Sóc Trăng 25), một thương hiệu gạo đã đoạt giải tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới diễn ra ở Philippines cuối năm 2019. Tại sao không đăng ký thương hiệu Gạo ST25 ở Mỹ sớm hơn và vai trò của các cơ quan Nhà nước như UBND tỉnh Sóc Trăng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn,… sẽ hỗ trợ những gì cho kỹ sư Hồ Quang Cua trong quá trình đăng ký và đòi lại thương hiệu ST25 tại Hoa Kỳ cũng như một số nước khác trên thế giới trong thời gian tới?
Hiện nay theo dữ liệu được công bố tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office – USPTO) các đơn đăng ký cho thương hiệu Gạo ST25 tại Hoa Kỳ chỉ mới trong giai đoạn nộp và thẩm định nội dung đơn đăng ký, chưa được cấp văn bằng bảo hộ vì vậy cũng chưa hẳn kỹ sư Hồ Quang Cua đã mất thương hiệu Gạo ST25. Có nhiều cách thức để đăng ký thương hiệu Gạo ST25 tại Hoa Kỳ đó là đăng ký bằng cách nộp trực tiếp tại USPTO hoặc nộp thông qua Hệ thống Madrid (Madrid System) có chỉ định quốc gia muốn đăng ký đó là Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ đã tham gia và là thành viên của Nghị định thư Madrid từ ngày 02/11/2003, sau đó ngày 11/07/2021 Việt Nam mới là thành viên (Việt Nam là thành viên của Thoả ước Madrid rất sớm từ ngày 08/03/1949). Việc đăng ký trực tiếp tại Hoa Kỳ sẽ tốn kém hơn do ngoài lệ phí theo quy định phải nộp cho USPTO thì phí luật sư tại Hoa Kỳ cao hơn rất nhiều nhưng bù lại thời gian để được cấp văn bằng bảo hộ nhanh hơn. Còn nếu thông qua Hệ thống Madrid thì chi phí thấp hơn vì chỉ nộp phí cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong đó đã bao gồm phí của nước mà người nộp đơn chỉ định đăng ký tại Hoa Kỳ, nộp đơn theo hình thức này thì thời gian cấp văn bằng sẽ lâu hơn. Đối với trường hợp của kỹ sư Hồ Quang Cua thì nộp đơn đăng ký thương hiệu Gạo ST25 thông qua hệ thống Madrid là phù hợp nhất vì chỉ cần ngồi ở Việt Nam kỹ sư Hồ Quang Cua có thể nộp đơn cho WIPO từ đó WIPO sẽ thẩm định về hình thức đơn và chuyển đơn cho USPTO thẩm định nội dung đơn. Tuy nhiên để nộp được đơn cho WIPO thì kỹ sư Hồ Quang Cua phải có đơn đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ là cơ quan tiếp nhận đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Theo dữ liệu tại NOIP thì tính đến ngày 23/04/2021 thương hiệu ST25 có 5 đơn vị đã nộp đơn để xin cấp văn bằng bảo bộ, trong đó có 1 doanh nghiệp của Hoa Kỳ còn lại là doanh nghiệp Việt Nam, đơn nộp sớm nhất là ngày 20/03/2020 và muộn nhất là ngày 11/12/2020. Như vậy kỹ sư Hồ Quang Cua hiện nay vẫn chưa nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu ST25 cho sản phẩm gạo tại Việt Nam thì nói gì đến việc đăng ký tại Hoa Kỳ? trong thời gian vừa qua vai trò của các cơ quan Nhà nước ở đâu và làm gì để hỗ trợ cho kỹ sư Hồ Quang Cua?
Như vậy để lấy lại thương hiệu ST25 trước hết kỹ sư Hồ Quang Cua phải nộp đơn đăng ký bảo hộ tại NOIP, trên cơ sở của đơn này mới nộp đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid có chỉ định Hoa Kỳ, sẵn dịp này sẽ chỉ định một số thị trường khác như Liên minh châu Âu, Nhật bản, Trung Quốc, Ấn độ, Philipines,… là những nước mà Việt Nam sẽ dự định xuất khẩu gạo. Kỹ sư Hồ Quang Cua tự mình hoặc thông qua một đơn vị hoạt động dịch vụ sở hữu công nghiệp chuyên nghiệp mà không cần phải ngồi chờ đợi sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Sau đó thủ tục khiếu kiện tại USPTO sẽ được thực hiện sau khi có đơn đăng ký quốc tế đã nộp qua WIPO. Các thủ tục này hoàn toàn có thể thực hiện thông qua cổng thông tin trực tuyến tại WIPO, NOIP nên người nộp đơn cũng không phải đi lại nhiều. Việc đòi lại thương hiệu ST25 tại Hoa Kỳ mất nhiều thời gian và chi phí hơn có thể bằng con đường thương lượng hoặc qua con đường toà án đây là hành trình khá gian nan. Tuy nhiên đối với Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ thì họ sẽ áp dụng theo nguyên tắc ưu tiên cho người sử dụng trước (first to use) hơn là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file), vì vậy kỹ sư Hồ Quang Cua sẽ có lợi thế hơn nếu có bằng chứng chứng minh gạo ST25 đã được xuất khẩu và tiêu thụ tại Hoa Kỳ trước ngày 18/06/2020 là ngày mà những đơn vị kia đã nộp xin bảo hộ tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên cung có thể Hoa Kỳ sẽ không cấp văn bằng bảo hộ cho gạo ST25 do tên gọi ST25 không đáp ứng quy định của luật Hoa Kỳ về nhãn hiệu.
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ thì(1) dấu hiệu ST25 (tên gọi cho giống lúa) không đáp ứng điều kiện bảo hộ thương hiệu do “không có khả năng phân biệt” theo quy định tại Điều 74.2.b của luật Sở hữu trí tuệ nghĩa là ST25 là tên của hàng hoá (lúa). Hiểu nôm na là trồng giống lúa ST25 cho ra lúa và sản xuất ra gạo của giống lúa ST25 thì gạo ST25 này cũng giống như Gạo Chợ Đào, Gạo Nàng Hương, Gạo tám xoan Hải Hậu, Gạo tám thơm Điện Biên, Gạo Trân Châu, Gạo trắng Cần Thơ,… do đó ST25 sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa là thương hiệu tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ và có thể là một số nước khác do là tên gọi chung cho một loại gạo nên không có khả năng phân biệt. Để một dấu hiệu có thể được bảo hộ phải đáp ứng quy định tại Điều 4.16 và Điều 74.1 khoản 1 của luật Sở hữu trí tuệ đó là thương hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và thương hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ . Câu chuyện bảo hộ được hay không được hạ hồi tính sau nhưng qua sự việc này cho thấy kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự của mình cũng như các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quá chậm chạp và để đánh mất cơ hội đến với mình, mà cơ hội thì không nhiều đôi khi chỉ đến có một lần và ra đi thì đi mãi mãi.
Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể nhất là UBND tỉnh Sóc Trăng – nơi khởi đầu và làm nên thương hiệu gạo ST25 cũng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn giúp kỹ sư Hồ Quang Cua đăng ký thương hiệu trong thời gian tới. Sau thương hiệu ST25, ST24 và còn nhiều ST gạo khác… cần phải có kế hoạch và lộ trình trong việc đăng ký từ rất sớm trước khi sản phẩm được thương mại hoá đưa ra thị trường. Những thương hiệu này sẽ là tài sản vô cùng quý giá của doanh nghiệp cũng như quốc gia, với một nước xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới thì vai trò của thương hiệu gạo như ST25 hết sức quang trọng, do đó việc lấy lại và giữ được thương hiệu này cần phải làm ngay, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Việc nhanh chân đăng ký ngay từ đầu sẽ đảm bảo sự chắc chắn và ít tốn kém hơn so với việc đăng ký muộn để rồi có nguy cơ mất, phải gian nan lắm mới đòi lại được. Bài học “mất bò mới lo làm chuồn” các doanh nghiệp Việt Nam đã được học nhiều trong thời gian qua với các thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, nước mắm phú Quốc, bánh phồng tôm Sa Giang, kẹo dừa Thanh Long (thương hiệu bà Hai mắt kiếng – bà Hai Tỏ Bến Tre),… Âu đây cũng là bài học cho doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp khởi đầu của quá trình khởi nghiệp muốn gìn giữ và bảo vệ thương hiệu trước khi bước ra thị trường lớn – sân chơi thế giới.
Nhân sự kiện gạo ST25 mà nghĩ về thông điệp ngày Sở hữu trí tuệ thuế giới mà WIPO đưa ra cho năm nay (26/04/2021) đó là “Sở hữu trí tuệ & Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiềm lực còn yếu, tài sản trí tuệ là bệ đỡ cho doanh nghiệp, từ lúc hình thành ý tưởng, bắt tay vào nghiên cứu, cho ra những sản phẩm trí tuệ bao gồm các đối tượng như công nghệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, giống cây trồng và sản phẩm nông nghiệp, tác phẩm, văn hoá địa phương, pháp lý và giải quyết tranh chấp. Một khi sản phẩm trí tuệ đã được hình thành thì phải được hỗ trợ đăng ký và thức đẩy khai thác thương mại đưa vào thị trường. Thông điệp năm nay rất giống và khá trùng hợp với trường hợp của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự khi mà họ đã dành hơn 20 năm nghiên cứu miệt mài vẫn đang say sưa nghiên cứu cho ra những giống lúa gạo nổi tiếng khác.
(*) Luật sư điều hành Công ty Luật Credent