Đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid
Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid đang ngày càng được lựa chọn nhiều hơn vì thủ tục đơn giản, tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp đơn…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu được đăng ký, bảo hộ theo nguyên tắc lãnh thổ (trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhãn hiệu Benelux, nhãn hiệu cộng đồng chung châu Âu…). Đồng thời, việc chiếm đoạt nhãn hiệu trên thực tế diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi hơn tại nhiều nước trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Vì vậy, khi hàng hóa được xuất khẩu hoặc dự định xuất khẩu hoặc khi muốn tiến hành các dịch vụ của mình tại nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu cần phải tiến hành đăng ký kịp thời nhãn hiệu của mình tại nước đó. Việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi. Để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài có hai cách phổ biến, đó là đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia và đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid.
Hệ thống Madrid là gì?
Hệ thống Madrid là một hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu do Văn phòng quốc tế thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, ra đời để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới (Người nộp đơn có thể tìm kiếm các thông tin liên quan đến Hệ thống theo địa chỉ https://www.wipo.int/madrid/en/). Hệ thống này được điều chỉnh bởi hai văn bản pháp lý chính: Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Việt Nam đã tham gia Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể nộp đơn vào các quốc gia là thành viên của cả hai văn kiện trên.
Cá nhân là công dân hoặc cư trú tại lãnh thổ của bên tham gia hoặc pháp nhân có cơ sở kinh doanh hoạt động thực thụ tại lãnh thổ bên tham gia có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid. Theo quy định, đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có thể được soạn thảo bằng một trong ba ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha (Việt Nam tuyên bố sử dụng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp). Dựa trên một đơn cơ sở hoặc một đăng ký cơ sở, người nộp đơn sẽ nộp một đơn đăng ký quốc tế tại nước xuất xứ sau đó sẽ được chuyển cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Tại đây đơn đăng ký sẽ được thẩm định về mặt hình thức, bao gồm tư cách người nộp đơn, mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm/dịch vụ… Trong trường hợp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đơn đăng ký quốc tế sẽ được ghi nhận trong đăng bạ quốc tế và được công bố trong công báo nhãn hiệu quốc tế của WIPO. Văn phòng quốc tế thông báo cho từng bên tham gia nhận được yêu cầu bảo hộ trong đơn quốc tế hoặc chỉ định sau. Từ ngày đăng ký quốc tế hoặc chỉ định sau, việc bảo hộ nhãn hiệu tại từng bên tham gia được chỉ định sẽ giống như khi nhãn hiệu đó được nộp trực tiếp tại Cơ quan của bên tham gia đó. Mỗi bên tham gia được chỉ định thẩm định nội dung đơn trong khoảng thời gian quy định theo Thỏa ước hoặc Nghị định thư và sau đó thông báo kết quả cho Văn phòng quốc tế.
Các loại phí phải thanh toán đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu bao gồm phí cơ bản, phí riêng đối với bên tham gia được chỉ định đã tuyên bố nhận khoản phí riêng hoặc phí bổ sung và phụ phí (nếu có) trong trường hợp chỉ định bên tham gia không tuyên bố nhận khoản phí riêng. Người nộp đơn có thể sử dụng công cụ tính phí trực tuyến do WIPO cung cấp.
Với ưu điểm đơn giản về thủ tục (chỉ cần nộp một đơn duy nhất, bằng một ngôn ngữ duy nhất, nộp phí bằng một loại tiền tệ duy nhất), giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp đơn trong trường hợp đăng ký ở nhiều nước cùng một lúc, hệ thống Madrid đang ngày càng được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn để đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài. Theo thống kê sơ bộ, trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam là 7.265 đơn (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2018), đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam là 181 đơn (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018). Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đối với việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo hệ thống Madrid ngày càng tăng.
Điều kiện đăng ký nhãn hiệu quốc tế
- Nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký nhãn hiệu quốc tế tương ứng theo Thoả ước Madrid;
- Nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký nhãn hiệu quốc tế tương ứng theo Nghị định thư Madrid.
Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc Việt Nam
- Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định nước muốn được đăng ký bảo hộ là thành viên Thoả ước Madrid và không chỉ định bất kỳ nước nào là thành viên Nghị định thư Madrid phải được làm bằng tiếng Pháp;
- Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định ít nhất một nước là thành viên Nghị định thư Madrid, kể cả đồng thời chỉ định nước là thành viên Thoả ước Madrid phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp;
- Người nộp đơn phải nộp tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu 06-ĐKQT quy định tại Phụ lục C của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp miễn phí. Trong tờ khai cần chỉ rõ các nước là thành viên Thoả ước Madrid (có thể đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid) và nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng cách điền chính xác, đầy đủ thông tin vào các mục dành cho người nộp đơn và phải gắn kèm các mẫu nhãn hiệu đúng như mẫu nhãn hiệu đã được đăng ký tại Việt Nam;
- Người nộp đơn cần tính sơ bộ tổng số phí, lệ phí theo biểu lệ phí in trên mẫu đơn hoặc có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chính xác số phí, lệ phí cần phải nộp cho Văn phòng quốc tế. Người nộp đơn phải thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở hữu trí tuệ;
- Người nộp đơn phải bảo đảm các thông tin (đặc biệt về tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác, kể cả về ngôn ngữ, dịch thuật và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở tương ứng. Người nộp đơn có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế;
- Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thông báo kịp thời các yêu cầu của người nộp đơn cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.
Hồ sơ gồm
- Tờ khai yêu cầu đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo mẫu C06 (02 bản);
- Tờ khai ĐKQTNH theo mẫu của MM2 WIPO (03 bản);
- Bản sao Giấy phép kinh doanh nếu chủ đơn là doanh nghiệp (02 bản);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (đối với Thoả ước) hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam (đối với Nghị định thư);
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có);
- Tuyên bố ý định sử dụng nhãn hiệu (nếu nộp vào Mỹ (Mỹ sử dụng mẫu tuyên bố MM18), Singapore, Anh hoặc CH Ai Len, trường hợp tại thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đăng ký chưa được sử dụng tuy nhiên trong vòng 36 tháng kể từ ngày nộp đơn nhãn hiệu sẽ được sử dụng);
- Mẫu nhãn hiệu 07 mẫu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu màu phải nộp kèm 05 mẫu nhãn hiệu đen trắng);
- 03 bản tính phí lần 1 và lần 2 (nếu có) in từ trang tính phí của WIPO;
Lưu ý: Lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu màu sẽ cao hơn lệ phí nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đen trắng và phí được quy định tại WIPO.
Một số yêu cầu chung với Đơn ĐKQTNH
- Đơn đăng ký quốc tế được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp;
- Các loại tài liệu trong Đơn phải được trình bày theo chiều dọc của trang A4 một cách rõ ràng, sạch sẽ bằng hình thức đánh máy và in bằng loại mực khó phai mờ, không tẩy xoá, không sửa chữa;
- Các nội dung khai trong Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế phải thống nhất với các nội dung tương ứng đã khai tại Đơn/Văn bằng xuất xứ, bao gồm cả: mẫu nhãn hiệu; phần mô tả nhãn hiệu; danh mục hàng hoá/dịch vụ đã phân loại… và các chỉ dẫn khác;
- Nếu nhãn hiệu có chứa các từ có thể dịch nghĩa, thì cần dịch rõ nghĩa theo ngôn ngữ của Đơn quốc tế;
- Nếu nhãn hiệu chứa các ký tự không phải là ký tự La tinh thì phải phiên âm ra ký tự La tinh theo ngữ âm của ngôn ngữ Đơn quốc tế;
- Nếu nhãn hiệu chứa các chữ số không phải là chữ số Ả rập hoặc La mã thì phải dịch chữ số đó sang chữ số Ả rập;
- Tên người nộp Đơn, Tên người đại diện nếu được viết bằng các ký tự không phải là ký tự La tinh thì phải phiên âm ra ký tự La tinh theo ngôn ngữ của Đơn quốc tế, trường hợp đối với một pháp nhân thì có thể thay bằng một bản dịch sang ngôn ngữ của Đơn quốc tế;
- Phân loại hàng hoá/dịch vụ phải trình bày theo các thứ tự các nhóm của Bảng phân loại quốc tế bằng thuật ngữ chính xác, tốt nhất là sử dụng các từ ngữ trong Danh mục theo vần chữ cái của Bảng phân loại nói trên.
Trình tự xem xét đơn đăng ký
- Tiếp nhận Đơn: Cục SHTT tiếp nhận và ghi nhận ngày nộp Đơn nếu Đơn đầy đủ các tài liệu cần có. Ngày này được xem là ngày nhận Đơn tại Văn phòng quốc tế nếu Đơn được chuyển đến Văn phòng trong vòng 2 tháng kể từ ngày Cục SHTT nhận được;
- Xem xét sơ bộ về hình thức: Cục SHTT xem xét sơ bộ về hình thức đối với Đơn (Đối chiếu giữa Đơn quốc tế với Đơn/Văn bằng cơ sở; xem xét về hình thức các loại tài liệu) và tiến hành một số thủ tục pháp lý cần thiết (Yêu cầu sửa chữa thiếu xót, bổ sung tài liệu còn thiếu hoặc ký xác nhận và đóng dấu theo yêu cầu của Đơn quốc tế nếu Đơn được coi là đáp ứng yêu cầu về hình thức);
- Chuyển Đơn lên Văn phòng quốc tế: trong vòng 2 tháng kể từ ngày tiếp nhận Đơn;
- Văn phòng quốc tế tiến hành thẩm định hình thức: thời gian này mọi giao dịch giữa người nộp Đơn và Văn phòng quốc tế đều phải thông qua Cục SHTT kể cả việc sửa đổi tài liệu; hạn chế danh mục hàng hoá/dịch vụ; chuyển giao quyền nộp Đơn…;
- Nếu thiếu sót thì yêu cầu sửa chữa, bổ sung;
- Nếu đáp ứng yêu cầu về hình thức thì Văn phòng quốc tế sẽ công bố Đơn trên Công báo chính thức của WIPO và chuyển đến từng quốc gia được chỉ định để xem xét bảo hộ;
- Giai đoạn quốc gia: thủ tục thẩm định Đơn ĐKQTNH được tiến hành độc lập ở mỗi quốc gia hoặc tổ chức thành viên của hệ thống Madrid, việc từ chối bảo hộ ở một quốc gia chỉ định không làm ảnh hưởng đến việc xem xét bảo hộ ở các nước chỉ định khác. Nhãn hiệu đăng ký quốc tế có hiệu lực như nhãn hiệu được đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia thành viên;
- Trong giai đoạn này, các quốc gia được chỉ định sẽ xem xét về mặt nội dung đối với Đơn theo các tiêu chuẩn bảo hộ của pháp luật quốc gia mình và sẽ ra các Quyết định Từ chối hoặc Chấp nhận bảo hộ cho Nhãn hiệu cần đăng ký;
- Mọi giao dịch lúc này không thông qua Cục SHTT mà sẽ trực tiếp với Người nộp Đơn hoặc tổ chức đại diện SHTT (nếu có);
- Đăng bạ đăng ký quốc tế và công bố trên Công báo: Đăng ký quốc tế sẽ được Văn phòng quốc tế ghi nhận vào đăng bạ quốc tế và công bố trên Công báo. Văn phòng quốc tế sẽ gửi Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhãn hiệu quốc tế và thông báo đến Cơ quan của nước xuất xứ và các nước được chỉ định của đăng ký quốc tế đó.
Thời gian
- Đối với các quốc gia thành viên của Thoả ước Madrid: thời gian để các quốc gia này tiến hành xem xét và ra Quyết định từ chối bảo hộ là 12 tháng, nếu sau thời hạn này, các quốc gia được chỉ định không có thông báo gì thì mặc nhiên xem như Nhãn hiệu đã được chấp nhận bảo hộ tại quốc gia đó;
- Đối với các quốc gia/tổ chức là thành viên của riêng Nghị định thư Madrid (không đồng thời là thành viên của Thoả ước): thời gian này được nới rộng ra là 18 tháng và có thể kéo dài hơn nữa trong trường hợp từ chối dựa trên Đơn phản đối;
- Thời hạn để các quốc gia được chỉ định xem xét bảo hộ tính từ ngày Đơn quốc tế được Văn phòng quốc tế thông báo đến cho các quốc gia được chỉ định đó.
Chi phí
- Phí nộp hồ sơ tại văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
- Phí nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký nhãn hiệu quốc tế;
- Phí đại diện sở hữu công nghiệp;
- Các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế nếu có.
Vui lòng liên hệ với Công ty Sở hữu Trí tuệ Đông Dương để biết được toàn bộ chi phí cho việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế.
Cơ quan nhận đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có nguồn gốc Việt Nam
- Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định;
- Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn đó trong vòng 02 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trường hợp đơn không được người nộp đơn hoàn thiện để gửi đến Văn phòng quốc tế trong thời hạn nói trên thì ngày nhận được đơn tại Văn phòng quốc tế sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
Hiệu lực của đăng ký quốc tế
- Đăng ký quốc tế có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
- Đăng ký quốc tế phụ thuộc vào Đăng ký cơ sở: trong vòng 5 năm kể từ ngày Đăng ký quốc tế có hiệu lực, nếu Đăng ký cơ sở bị huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ thì Đăng ký quốc tế dựa trên Đơn/Văn bằng cơ sở đó cũng sẽ bị huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực tương ứng.
- Sau khi hết thời hạn 5 năm, Đăng ký quốc tế hoàn toàn độc lập với đăng ký cơ sở.
- Đăng ký quốc tế chỉ được bảo hộ trong phạm vi các quốc gia được chỉ định trong Đơn ĐKQTNH.
Quy trình đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid
Danh sách các nước là thành viên của Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid
- Danh sách các nước là thành viên của Nghị định thư Madrid: Albania, Antiqua and Babuda, Armenia, Australia, Áo, Azerbaijan, Bahrain, Belarus, Bỉ, Bhutan, Botswana, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Cuba, Cyprus, Czech Republic, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Đan Mạch, Estonia, Cộng đồng Châu Âu, Phần Lan, Pháp, Georgia, Hy Lạp, Đức, Hungary, Iran, Iceland, Ailen, Italy, Nhật Bản, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Lesotho, Lithuania, Liechtenstein, Luxembourg, Monaco, Mông cổ, Montenegro, Morocco, Mozambique, Namibia, Hà Lan, Na Uy, Oman, Ba lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Romania, Nga, Serbia, Singapore, Sierra Leone, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Swaziland, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Thụy sỹ, Thụy Điển, Syrian Arab republic, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Ukraine, Việt Nam, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Zambia.
- Danh sách các nước là thành viên Thoả ước Madrid: Albania, Algeria, Armenia, Áo, Azerbaijan, Belarus, Bỉ, Bhutan, Bosnia and Herzegovina, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Cuba, Cyprus, Cộng hòa Czech, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ai Cập, Pháp, Đức, Hungary, Iran, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Lesotho, Liberia, Liechtenstein, Luxembourg, Moldova, Monaco, Mông cổ, Montenegro, Morocco, Mozambique, Namibia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, San Marino, Serbia and Montenegro, Sierra Leone, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Sudan, Swaziland, Thụy Sỹ, Syrian Arab republic, Tajikistan, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Ukraina, Vietnam.
Dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ tại Công ty Sở Hữu Trí Tuệ Đông Dương
Bằng những kinh nghiệm chuyên sâu hiện có cùng với thời gian dài trải nghiệm thực tế chúng tôi luôn tự tin có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất , toàn diên nhất đến với khách hàng khi sử dụng dịch vụ chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ giấy phép hành nghề, tư cách làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đại diện cho khách hàng xử lý mọi vấn đề theo quy định của pháp luật để xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho khách hàng trong và nước ngoài.
Văn phòng Công ty sở hữu trí tuệ Đông Dương nằm cạnh Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi và có thể nộp đơn ngay theo yêu cầu của khách hàng (cần gấp và nhanh), những thủ tục khác xin được bổ sung sau.
Quý khách có bất kỳ thắc mắc liên quan, xin vui lòng liên hệ với luật sư của chúng tôi để được giải đáp miễn phí:
- SĐT: 0938 373 373 (Ms Thuỷ Tiên, Ms Bích Quyên) – 0943 117 117 (Luật sư Hoàng Hải)
- Website: tuvanluatvietnam.vn
- Email: nhanhieu@tuvanluatvietnam.vn
- Địa chỉ: 60/1 Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành, quận 1, Tp. HCM
Xem thêm:
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, logo chi tiết 2024
Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thủ tục đăng ký quyền tác giả/đăng ký bản quyền
Thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và một số thông tin quan trọng